Trải qua lịch sử hình thành và phát triển của loài người, kho tàng tri thức được tích lũy là vô cùng vô tận. Muốn tìm hiểu hết những tinh hoa đó, có rất nhiều phương pháp khác nhau. Song phương pháp hiệu quả nhất là đọc sách. Sách có vai trò vô cùng quan trọng, nhà văn M. Gorki nhận định: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Sách vừa là bạn, vừa là người thầy siêu việt, thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô tận, dạy chúng ta biết sống, biết suy nghĩ, chia sẻ và biết hy sinh.

 

Hư­ởng ứng chủ trư­ơng của UNESCO, đồng thời để khẳng định những giá trị to lớn của sách báo. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống tinh thần của mỗi người và cộng đồng xã hội, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam; Mục đích là nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, góp phần xây dựng và phát triển xã hội học tập.

Ngày sách Việt Nam (21/4) được tổ chức thường niên trên địa bàn huyện Hương Sơn

 

Văn hóa đọc hiện nay đang là vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm của xã hội. Theo Thạc sỹ Bùi Văn Vượng, thuật ngữ văn hóa đọc là đọc sách có văn hóa, hay xây dựng một xã hội đọc sách. Còn PGS.TS nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình khẳng định: “Văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với tri thức sách vở. Phải biết đọc sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp nhận tri thức”.

Văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển đã mở ra rất nhiều cơ hội mới và cả những khó khăn, thách thức. Trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, facebook, youtube… tưởng chừng như không còn chỗ cho việc đọc sách, người đọc không còn hứng thú với sự đọc. Thực trạng việc đọc sách của người Việt thấp so với khu vực và thế giới, bởi vậy nên Ngày sách năm nay với chủ đề “chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng, tôn vinh các tổ chức và cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.

Theo thống kê, ở Việt Nam, mỗi năm một người đọc 1 cuốn sách. Trong khi đó như Israrel là nước có tỷ lệ người dân đọc sách cao nhất thế giới 68 cuốn/người/năm, Hunggari 65 cuốn, Đức 55 cuốn, Nhật bản 40 cuốn... người xưa coi sách là kho tàng đáng giá nhất “một kho vàng không bằng một nang chữ”. Xã hội ngày càng phát triển thì công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh, lấn át văn hóa đọc, nhất là đọc bằng sách giấy, bằng truyền thống. Vậy, phải làm thế nào để không những vực dậy mà còn phát huy được truyền thống hiếu học của con người Hương Sơn? Điều đó chắc hẳn chúng ta sẽ cùng tự tìm cho mình câu trả lời trước thực trạng đọc sách của công chúng hiện nay! Xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và sự “phai nhạt” thói quen đọc sách đang hiện hữu khá rõ nét, hơn lúc nào hết văn hóa đọc sách cần được tồn tại, phát triển.

Ở thời đại nào, cho dù xã hội phát triển đến đâu thì việc đọc sách vẫn được đặc biệt coi trọng, đó là nhu cầu tinh thần cần thiết. Nó không chỉ liên quan đến việc đọc mà còn là văn hóa ứng xử của cá nhân, cộng đồng trong việc tích lũy tri thức và phát triển năng lực sáng tạo. Phát triển văn hóa đọc là phát triển thế giới quan, nội lực sáng tạo và phát triển văn hóa con người. Xây dựng, khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời xây dựng văn hóa, con người Hương Sơn đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Thông qua các hoạt động phát triển văn hóa đọc để giới thiệu, quảng bá văn hóa, con người Hương Sơn.

Ngày Sách Việt Nam (21/4) trên địa bàn huyện Hương Sơn được tổ chức sôi nổi, hiệu quả, thiết thực, đã trở thành sinh hoạt văn hóa thường niên, được cộng đồng xã hội đón nhận và tôn vinh. Với kế hoạch triển khai ngày một hoàn thiện, các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam được tổ chức gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, ban ngành, sinh hoạt văn hóa, chính trị của từng cơ quan, đơn vị và đặc thù riêng của từng địa phương, thu hút sự tham gia và hưởng ứng của công chúng. Sách đến xã thông qua tủ sách nông thôn mới, tủ sách Bưu điện xã, hai năm gần đây xây dựng hệ thống ngôi nhà trí tuệ; tủ sách đã về đến lớp học và hộ gia đình (thư viện gia đình, dòng họ); giờ đọc sách đã vào đến lớp học; Tết đến mọi người đã lì xì, mừng tuổi bằng sách... tạo ra cho mọi người nguồn tài liệu tham khảo hết sức phong phú và đa dạng. Đây cũng dịp để lan tỏa văn hóa đọc, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Hương Sơn.

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng kết quả đạt được, vẫn còn thực trạng có nhiều tủ sách được đầu tư, trang bị lại không được quan tâm khai thác, sử dụng, mà chỉ mang tính tượng trưng, chưa thu hút được người đọc; mặt khác cơ sở hạ tầng, đầu sách nhiều nơi còn èo ọt, ít được cập nhật; cùng với đó văn hóa đọc đang chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đòi hỏi người đọc phải lựa chọn cho mình hình thức phù hợp.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới, đa dạng các hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tủ sách gia đình, dòng họ, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, hệ thống thư viện của các cơ sở giáo dục đào tạo, các phòng đọc, tủ sách cơ sở của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Trong đó, đặc biệt cần quan tâm đầu tư về trang thiết bị và đầu sách đến hệ thống thư viện nhà trường, gia đình, dòng họ, trước hết tạo ra cho các em nguồn tài liệu bổ ích, phong phú; rèn luyện cho các em thói quen đọc sách, quý sách, giúp học sinh biết cách lựa chọn sách yêu thích, lĩnh vực yêu thích, đam mê, để tích nhặt những kiến thức các em đang thiếu, đang cần.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, với chủ đề “chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”, nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng, khẳng định sách, tri thức đóng vai trò hết sức quan trọng, tạo nên giá trị, phong văn hóa mỗi con người; bản sắc văn hóa cộng đồng cũng như toàn xã hội./.

Dưới đây là một số hình ảnh Ngày hội đọc sách tại trường Tiểu học Thị trấn Phố Châu:


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 358.658
    Online: 17