Lê Hữu Trác tên thật là Lê Hữu Huân, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1720 (?) tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông là con thứ bảy của ông Lê Hữu Mưu và bà Bùi Thị Thưởng nên ông còn được gọi với cái tên Cậu Chiêu Bảy. Dòng họ của Lê Hữu Trác có truyền thống khoa bảng, ông nội, bác, chú, anh và em họ đều đỗ tiến sĩ, làm quan to. Cha Lê Hữu Trác đỗ đệ tam giáp tiến sĩ làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức ngự sử, tước bá, khi mất được truy tặng Thượng thư.
Năm Kỷ Mùi (1739), Lê Hữu Trác 20 tuổi thì cha qua đời, ông rời kinh thành về nhà, vừa trông nom gia đình vừa chăm chỉ đèn sách, thi vào tam trường, sau đó không thi nữa. Năm 1739 cũng là năm mở ra quy mô lớn của phong trào nông dân nổi dậy chống phong kiến, chỉ một năm sau (1740) nghĩa quân của Hoàng Công Chất đánh sát huyện ông. Chàng thư sinh trẻ tuổi Lê Hữu Trác đang mê mải đèn sách phải lánh đi nơi khác đọc sách. Từ đó, ông vừa dùi mài kinh sử vừa nghiên cứu binh thư. Chiến tranh phong kiến đã gây đau thương chết chóc cho biết bao nhiêu gia đình làng xóm, nó không đem lại gì cho nhân dân, cho đất nước; đã làm cho Lê Hữu Trác chán nản muốn ra khỏi quân đội, nên ông đã nhiều lần từ chối sự đề bạt của tướng nhà Trịnh. Cũng trong thời gian này, bà Bùi Thị Thưởng đưa mấy người con của mình về quê ngoại Hương Sơn sinh sống. Năm 1746, khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ để xin ra khỏi quân đội, thực sự "bẻ tên cởi giáp" theo đuổi chí hướng mới. Kể từ đó, ông sống tại quê mẹ ở Tình Diệm xưa (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho đến năm Tân Hợi 1791, ông qua đời, thọ 71 tuổi.
Hải Thượng Lãn Ông là bậc đại danh y không chỉ giỏi về y thuật, nhân thuật, mà còn là nhà tư tưởng, nhà khoa học lớn, nhà giáo dục, nhà văn bậc thầy của dân tộc Việt Nam. Ông luôn tìm tòi nghiên cứu, chữa bệnh, làm thơ và là tác giả của nhiều bộ sách lớn có giá trị như: Hải Thượng y tông tâm lĩnh, Thượng kinh ký sự... Ông đã có công sưu tầm, bổ sung nhiều phương thuốc có giá trị còn lưu truyền trong dân gian và để lại cho muôn đời sau. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho muôn đời các thế hệ thầy thuốc Việt Nam noi theo.
Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thuộc thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh, trải dài trên một cung đường gần 8km, bao gồm khu mộ cùng tượng đài của Đại danh y ở xã Sơn Trung, chùa Tượng Sơn ở xã Sơn Giang và Khu nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông ở xã Sơn Quang. Khu di tích là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa có ý nghĩa quan trọng gắn liền với Đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Truyền thuyết kể rằng, sinh thời ông thường thả diều trên đỉnh núi Giả và hồ Sen, trước khi ông mất, ông dặn dò con cháu diều rơi ở đâu thì mai táng ông ở đó. Vị trí diều rơi chính là nơi mộ ông bây giờ, nằm ở dãy núi Cánh Diều dưới chân núi Minh Tự, xã Sơn Trung. Ngôi mộ nằm ở vùng đất gần chân núi có độ dốc 30o, đầu hướng lên đỉnh cao nhất của dãy núi Minh Tự, chân mộ chiếu thẳng vào dãy núi Trường Sơn. Cách chân mộ 0,6m về phía Tây Nam có trồng một khóm trúc nhỏ vừa có mục đích là làm dấu khi diều rơi xuống, vừa thể hiện khí chất ngay thẳng, thanh cao của Lê Hữu Trác. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống toàn cảnh nơi đây như một bức tranh thủy mặc, bên phải có khe Nước Cắn chảy rì rào, trước mặt có dòng sông Ngàn Phố trong xanh hiền hòa và một vùng đồi núi, làng mạc nên thơ.
Tượng đài Lê Hữu Trác nằm trên núi cao, được dựng với hơn 1.600 tấn đá cẩm thạch. Khu tượng đài có dòng chữ “Đức - Lưu - Quang” khắc trên tảng đá nguyên khối nặng hơn 17 tấn. Phía sau tượng đài có 2 bức phù điêu khắc ghi những lời răn dạy của Đại danh y về y đức, y thuật.
Từ khu mộ ngược lên phía Tây hơn 7km là đến với Nhà thờ Lê Hữu Trác ở thôn Bầu Diệm, xã Tình Diệm (nay là xóm 8, xã Sơn Quang). Đây là nơi ông và gia đình sinh sống khi trở về Hương Sơn. Nhà thờ có tòa Thượng là nơi trước đây Lê Hữu Trác bốc thuốc, viết sách. Nhà hậu tọa là nơi thờ Lê Hữu Trác gồm 3 gian tứ trụ được chạm khắc tinh vi, bàn thờ đặt ở gian giữa có tượng bán thân của cụ, gian phải và trái có lịch niên biểu ghi lại những năm tháng sống và lập nghiệp cũng như những mối quan hệ gia đình, xã hội của Lê Hữu Trác. Trong khuôn viên ngôi nhà còn có núi Giả và hồ Sen nằm sát với nhau ở góc vườn đắp cao 10 thước (4m), rộng 240 thước (72m2). Hồ Sen hình bán nguyệt ôm lấy chân núi ở phía Tây Bắc. Đây là nơi, Lê Hữu Trác dùng để quan sát hướng gió, để bắt mạch chữa bệnh và là nơi ông lưu giữ, bảo quản các loại thuốc quý khi có thiên tai lũ lụt. Trong khu vườn Hải Thượng trồng rất nhiều loại cây có giá trị làm thuốc như mít, ổi, đào...
Trên đường từ mộ đến nhà thờ ghé qua chùa Tượng Sơn - một di tích lịch sử văn hóa nằm sát tả ngạn sông Ngàn Phố. Theo gia phả dòng họ Lê Hữu ở huyện Hương Sơn, chùa Tượng Sơn được kiến dựng vào thời Hậu Lê, đời Lê Dụ Tông (đầu thế kỷ XVIII) do bà Đặng Phùng Hầu - vợ của Tả hiệu điểm Tham đốc quận công Bùi Tướng Công, là bà ngoại của danh y Lê Hữu Trác nêu ý tưởng xây dựng. Sau đó, con gái của bà là Bùi Thị Thưởng tiếp tục hoàn thành ý nguyện của mẹ và sáng lập chùa. Chùa được kiến tạo bởi hai người con của bà Thưởng là Lê Hữu Tán và Lê Hữu Trác với mục đích thờ Phật, thờ tổ tiên hai họ Bùi và Lê Hữu.
Chùa Tượng Sơn tọa lạc nơi phong cảnh hữu tình, phía sau chùa là dãy núi Voi nên chùa có tên là Tượng Sơn tự (chùa Núi Voi) tạo cho ngôi chùa nét thanh tịnh, yên bình. Phía Tây chùa có dòng suối bắt nguồn từ dãy Đại Huệ, băng qua ghềnh đá, ngày đêm nước chảy ầm ầm nên chùa có tên nôm là chùa Ầm Ầm (người dân nơi đây còn gọi với một cái tên khác là chùa Hầm Hầm). Đây là nơi lưu dấu những năm tháng sống, làm thuốc cứu người, nghiên cứu y thuật và viết sách của Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Suốt những năm 1760-1786, Hải Thượng Lãn Ông đã dành phần lớn thời gian lưu lại chùa, mở phòng mạch chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, nghiên cứu y thuật và hoàn thành nhiều tác phẩm làm nền tảng cho y học cổ truyền ngày nay như: Hải Thượng y tông tâm lĩnh (gồm 28 tập, 66 quyển), Y trung quan kiện (1780), Y hải cầu nguyên (1782), Thượng kinh ký sự (1783), Vận khí bí điển (1786)...
Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng năm 1990. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, quần thể di tích luôn được các thế hệ nhân dân gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo.
Với mong muốn góp phần làm giàu đẹp thêm cho quê hương cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách khi đến tham quan Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông, tháng 8 năm 2012, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Quý Gia đã đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Hải Thượng tại thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, cách khu mộ Lê Hữu Trác 1km. Tháng 12 năm 2014, Khu du lịch cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện nay, Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được bàn giao cho Công ty quản lý.
Được xây dựng trên diện tích hơn 20ha, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng nổi bật giữa màu xanh kỳ vĩ của đại ngàn Trường Sơn với quần thể kiến trúc gồm Khách sạn Minh Tự, Nhà hàng Hải Thượng, Trung tâm tổ chức sự kiện, Khu vui chơi giải trí Cánh Diều (karaoke và coffee). Bên cạnh đó, Khu du lịch còn có nhiều hạng mục gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp Hải Thượng Lãn Ông như: Nhà thuốc Hải Thượng - nơi định kỳ để các nhà Đông y về đây bốc thuốc, chữa bệnh cũng là nơi trưng bày các bài thuốc, vị thuốc nam của cụ Lê Hữu Trác; Đền thờ Minh Tự Sơn - nơi lưu giữ Văn hóa Việt đồng thời là nơi thờ tự Bác Hồ và Đại danh y; Nhà bảo tồn các công cụ sản xuất, sinh hoạt của nền văn minh lúa nước - nơi tái hiện sinh động cuộc sống của người Hương Sơn xưa và là không gian sinh hoạt của Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Cánh Diều; Nhà thủy đình và sân khấu ngoài trời...
Cũng tại nơi đây, ngày 21 tháng 2 năm 2016 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch) đã diễn ra Lễ đón nhận Quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác".
Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh tốt đẹp của người dân địa phương mà còn là địa chỉ tham quan hấp dẫn với bạn bè gần xa. Từ lâu, nơi đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút mọi du khách trên hành trình về với mảnh đất Hương Sơn.
Chỉ dẫn:
* Từ thành phố Hà Tĩnh, theo quốc lộ 15A về phía Tây 32km đến Ngã ba Phúc Đồng (Hương Khê), rẽ phải theo đường mòn Hồ Chí Minh 25km đến thị trấn Vũ Quang, tiếp tục đi thẳng về phía Bắc đến Ngã ba Phố Châu, đi tiếp 3km là đến Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
* Liên hệ : 0239 3518 333
* Điểm du lịch lân cận: Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (1km), Vườn quốc gia Vũ Quang (35km), Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú (20km), Khu du lịch nước sốt Sơn Kim (30km)